Tour xe địa hình: Trải nghiệm mạo hiểm hay đánh cược tính mạng?

Trang Trang
Thứ hai, 26/05/2025 19:30 PM (GMT+7)
A A+

Thú chơi off-road thu hút nhiều người ưa mạo hiểm, nhưng thực tế cho thấy các tour xe địa hình hiện nay đang thiếu các tiêu chuẩn an toàn tối thiểu. Những vụ tai nạn gần đây là lời cảnh báo rõ ràng về một "cuộc chơi nguy hiểm".

Off-road (hay còn gọi là lái xe địa hình) không còn là thú chơi xa lạ với người yêu khám phá thiên nhiên hoang dã. Những cung đường cát trắng, đồi núi hiểm trở hay sình lầy, suối cạn... mang đến cảm giác phiêu lưu đặc biệt cho người tham gia. 

Tuy nhiên, tại Việt Nam, khi hoạt động off-road đang dần trở thành một phần của các tour du lịch mạo hiểm, thì những lỗ hổng trong việc đảm bảo an toàn đang đặt ra những dấu hỏi lớn, nhất là sau những tai nạn nghiêm trọng xảy ra thời gian gần đây.

xe-jeep-lat-1741952871-9568-17-6

Chỉ trong vài tháng, hai vụ tai nạn liên quan đến xe địa hình đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Ngày 25/5, một xe off-road rơi xuống hồ Bàu Trắng (Bình Thuận) làm một nữ du khách tử vong. 

Trước đó, vào ngày 26/2, một xe địa hình bị lật tại khu vực Mũi Dinh khiến 5 người bị thương. Những sự việc đau lòng này không chỉ là hồi chuông cảnh báo cho du khách mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc siết chặt quy định đối với loại hình du lịch đầy rủi ro này.

Xe địa hình liệu đã đủ an toàn?

Hồng Hạnh (Hà Nội), du khách từng trải nghiệm xe địa hình tại Bàu Trắng vào tháng 5/2024, chia sẻ rằng sẽ "không bao giờ đi lại lần thứ hai". 

Theo chị, chiếc xe mà chị ngồi cho cảm giác cực kỳ chênh vênh, thiếu an toàn và chỉ cần một cú trượt tay, người có thể văng ra khỏi xe hoặc đập đầu vào khung sắt. Những chia sẻ này phần nào cho thấy mức độ rủi ro mà người đi tour off-road đang phải đối mặt.

xe-jeep-vuot-doi-cat-mui-ne

Theo anh Nguyễn Hùng Phong - một tay chơi xe địa hình lâu năm tại TP.HCM, nguyên nhân dẫn đến các tai nạn trên phần lớn đến từ việc phương tiện không được trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn tối thiểu. Trong đó, khung chống lật (roll cage) được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu nhưng lại bị nhiều đơn vị khai thác bỏ qua.

Khung chống lật là bộ phận bằng thép, thường được bắt vào khung hoặc sàn xe qua ít nhất 6 điểm, tạo thành một chiếc "lồng" bảo vệ khoang hành khách không bị đè bẹp trong trường hợp xe lật. Bộ phận này cũng giúp người trong xe có khoảng trống để thoát thân. 

Bên cạnh đó, dây an toàn 4-5 điểm cũng là trang bị bắt buộc để giữ người ngồi không bị văng ra ngoài khi xe gặp tai nạn - điều mà nhiều chiếc xe địa hình dùng trong du lịch hiện nay chưa được trang bị đầy đủ.

4c3bfb3c-4af4-41f3-b983-a068ae-8

Khoảng trống trong quản lý tour off-road

Điều đáng lo ngại là Việt Nam hiện mới chỉ có quy định áp dụng cho xe off-road trong thi đấu thể thao, chứ chưa có văn bản cụ thể nào điều chỉnh hoạt động du lịch off-road thương mại. 

Cụ thể, Thông tư 18/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ các điều kiện an toàn như phải có khung chống lật, bình cứu hỏa, thiết bị cứu hộ, móc kéo...nhưng lại không bao gồm các phương tiện chạy đồi cát hoặc rừng suối trong khu du lịch.

Anh Nguyễn Hồng Vinh - một chuyên gia đến từ Hà Nội với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực lái xe an toàn và từng tham gia, tổ chức nhiều giải đua xe chuyên nghiệp - cho rằng khi nói đến các tour du lịch mạo hiểm bằng phương tiện cơ giới, không chỉ cần quan tâm đến tiêu chuẩn kỹ thuật của xe mà còn phải đặt trách nhiệm của đơn vị tổ chức lên hàng đầu.

Theo anh Vinh, để đảm bảo an toàn trọn vẹn cho du khách, trước hết các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tour địa hình phải xây dựng một hệ thống quy chuẩn đầy đủ cho toàn bộ hành trình. 

Những quy chuẩn này không chỉ bao gồm các bước chuẩn bị và vận hành tour, mà còn phải có phương án ứng phó cụ thể trong trường hợp xảy ra tai nạn hoặc sự cố bất ngờ.

500125179-10233789492491815-96-4

Tiếp đến, phương tiện được sử dụng trong các chuyến đi phải đáp ứng các tiêu chí an toàn tối thiểu. Đặc biệt là các trang bị có thể bảo vệ hành khách khi gặp sự cố như xe lật hoặc bị kẹt, chẳng hạn như khung chống lật, dây đai an toàn, hoặc hệ thống thoát hiểm khẩn cấp.

Yếu tố con người cũng rất quan trọng. Người điều khiển phương tiện phải là người được huấn luyện bài bản, có kỹ năng xử lý các tình huống nguy hiểm khi vận hành xe trong điều kiện địa hình phức tạp. 

Trong trường hợp tour cho phép khách tự lái, bắt buộc hành khách phải có giấy phép lái xe phù hợp, đồng thời được phổ biến kỹ lưỡng về đặc điểm của phương tiện cũng như các quy tắc an toàn cần tuân thủ.

Một yếu tố nữa không thể bỏ qua là lộ trình của tour. Cần có sự khảo sát và công bố rõ ràng tuyến đường di chuyển, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xung đột giao thông hoặc rơi vào những khu vực nguy hiểm. 

Tất cả các khâu, từ xây dựng kế hoạch cho tới triển khai thực tế, phải được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Có như vậy, các doanh nghiệp mới thực sự bị ràng buộc trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho người tham gia tour.

Góp ý / Báo lỗi
Xem thêm